Cần chữa lành không phải là yếu đuối

"Giới trẻ ngày nay quá dễ cần chữa lành. Chị nghĩ sao về thực trạng này?"

Cô MC mặc chiếc váy trắng, khuôn mặt tầm 9x trạc tuổi mình, có thể còn nhỏ tuổi hơn, nhìn rất xinh xắn. Cô vừa hỏi vừa nhướn nhẹ môi và nhăn lại khuôn mày một chút khi nhắc đến cụm từ "cần chữa lành", như kiểu đó là một căn bệnh lạ khó tả. 

Chị khách mời mặc một bộ vest màu đen như các "Shark cá mập" hay đưa lời khuyên khởi nghiệp trên ti vi mà mình vốn cũng chả bao giờ xem được hết quá 5 phút, trả lời dõng dạc:

"Tại vì bố mẹ quá nuông chiều con cái ..."

Mình đóng Instagram lại và thở dài.

Câu nói đó cứ luẩn quẩn trong đầu mình suốt một thời gian.

Dạo gần đây mình nhìn thấy nhiều người hay dùng cụm từ "chữa lành" để đùa giỡn về xu hướng muốn được chữa lành của giới trẻ. Mình không thích những cũng chẳng quan tâm lắm, vì dù gì thì trên mạng giờ đây cũng xuất hiện đủ loại xu hướng phong trào làm nội dung, dù đôi khi người làm ra cũng chẳng hiểu ý nghĩa của chúng là gì. 

Có thể 1 trích đoạn Reel mình vừa xem của Podcast đó không phản ánh đủ nội dung của buổi trò chuyện. Và việc bố mẹ quá nuông chiều con cái cũng là một phần khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy “hoảng” khi vào đời và đối diện với nhiều sự thật không như ý trong cuộc sống.

Nhưng nó không phải là toàn cảnh của việc tại sao giới trẻ lại đang có những tổn thương cần được hàn gắn. Và quan trọng hơn cả, việc chữa lành không đáng được nhắc đến như một “căn bệnh” mang dáng dấp của sự yếu đuối như vậy. 

Trong suốt gần 4 năm mình làm việc với các khách hàng trong chương trình coaching, chưa bao giờ vấn đề lại đến từ việc bố mẹ nuông chiều con cái quá. 

Các khách hàng của mình đều là những người mang những lớp vỏ bọc mạnh mẽ và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Có người là thạc sĩ, có người có những chủ đề nghiên cứu chuyên môn lớn, có bạn đang đi du học dạng học bổng và tự trang trải gần như mọi chi phí cho bản thân khi sinh sống ở nước ngoài mà không cậy nhờ gì đến gia đình. 

Dù bên ngoài tưởng chừng như có tất cả, nhưng bên trong tâm hồn lại cô đơn và cần được yêu thương hơn bao giờ hết. 

Rất nhiều trong số họ được sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ rất nghiêm khắc và kỷ luật, nơi mà “Không được khóc! Nếu khóc thì đi ra ngoài đường ngay!” (Bạn có nghe câu này quen không?).

Cũng chính vì vậy, để họ hạ xuống những “lớp áo giáp” dày cộm và thừa nhận rằng mình cần sự trợ giúp để chữa lành cần thời gian rất lâu vì sợ rằng “chữa lành là yếu đuối”.

Hoa (Tên đã được thay đổi) là một khách hàng của mình. Em tìm đến mình khi 1 năm rồi nhưng vẫn không thể quên được người yêu cũ và tìm lại hạnh phúc cho cuộc sống - cái nơi mà trông bề ngoài vốn vẫn rất ổn với thành tích từng là một sinh viên ưu tú và nhận được học bổng du học tại nước ngoài.

Mình còn nhớ khi tìm đến mình thì em còn hỏi: “Chị ơi, có “chữa” được ca này của em không? Em sợ em bị thế này cả đời quá.” Em đã từng tham gia rất nhiều khóa về yêu bản thân với mong muốn mình “hồi phục” lại. 

Ấy thế nhưng chỉ sau hơn 1 tháng làm việc với nhau thì em đã nhắn tin cho mình và nói: “Chị ơi, hôm nay em đã có thể tự dậy sớm đi leo núi trở lại. Lần đầu tiên cơ mặt em giãn ra và cười được đấy ạ.” 

Sau 3 tháng tham gia chương trình, em hoàn toàn buông ra được người yêu cũ, chuyển nhà, nhận được 1 công việc mới và là người Việt duy nhất được nhận vào làm tại một công ty lớn ở nước ngoài.

Và bây giờ, sau 1 năm kết thúc chương trình, em nhắn tin cho mình khi đang vi vu ở New Zealand và có một trang blog nho nhỏ ẩn thân để chia sẻ về trải nghiệm trong cuộc sống của em. 

Bạn biết chìa khóa để Hoa có thể có bước chuyển mình nhanh và mạnh mẽ như vậy là gì dù trước kia em từng làm đủ mọi cách để hạnh phúc không?

Liều thuốc chữa lành đầu tiên mà em tự động có khi tham gia chương trình với mình đó là cảm giác được an toàn chấp nhận.

Điều giúp Hoa không phải là sự thúc ép phải tìm 3 điều tích cực mỗi ngày, dậy lúc 5h sáng và ra biển ngắm bình minh, cảm ơn đất trời, “nhìn những người còn đau khổ hơn mình kìa rồi mà vui lên”, ngồi thiền ngày 8 tiếng để tĩnh tâm lại. 

Điều đầu tiên thật sự giúp được Hoa đó là em được hoàn toàn bộc lộ bản thân mình. Em được khóc, được buồn, được cảm thấy tất cả những gì em cần cảm thấy như một trải nghiệm của con người, mà không cần phải đè nén hoặc trốn tránh vào công việc.

Giai đoạn đầu chưa quen có thể khá khó khăn. Nhưng cách duy nhất để cảm xúc đi ra khỏi ta đó là cho phép chúng được đi qua ta.

Nếu bạn nhìn ra thiên nhiên, gần gũi nhất với phụ nữ chúng ta là mặt trăng. 

Chẳng phải mặt trăng cũng phải đi qua một chu kỳ thì mới tròn đầy lại một lần một tháng hay sao? Và bạn cũng giống như vậy, bạn luôn có giá trị và được yêu thương vô cùng cho dù bạn có đang trải qua giai đoạn mặt trăng nào của mình. 

Chỉ là bạn có nhận ra điều đó hay không. 

Đừng để ai làm bạn xấu hổ về những trải nghiệm rất đỗi bình thường của con người. 

Và đi tìm sự trợ giúp từ những người cũng có thể cảm thông và lắng nghe những trăn trở của bạn trên hành trình bạn đi tìm lại chính mình sau khi chia tay sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn và can đảm hơn. 

Tuy nhiên khi nhắc về cụm từ “chữa lành”, mọi người thường hiểu nhầm về khái niệm này. 

Mình thấy những Reel Video gắn liền “chữa lành” với việc đi du lịch, đi shopping, ăn uống, tán gẫu với bạn bè hoặc là tìm một người khác thay thế nói chuyện để quên đi nỗi buồn cũ.

Thực ra đây không phải là chữa lành. Dù một trong số chúng như đi du lịch hoặc nói chuyện với bạn bè có thể khiến bạn cảm thấy đỡ hơn 1 lúc, nhưng những vấn đề thật sự thì vẫn sẽ còn ở đó - trong bạn. 

Nếu bạn luôn cô đơn không biết làm sao khi ở một mình thì sau khi đi du lịch và nói chuyện với bạn bè về, bạn vẫn sẽ như vậy. 

Nếu bạn bị thu hút bởi những người không nhất quán, không rõ ràng với bạn thì cho dù làm gì thì bạn sẽ vẫn bị thu hút bởi họ một khi họ quay lại và thả nhẹ cho bạn vài lời nói yêu thương.  

Những nỗi buồn được giấu kín thời thơ ấu không thể nói hết là sẽ hết, nói quên là sẽ quên ngay. 

Dưới đây là những điều bạn có thể bắt đầu tự làm để thật sự chữa lành những tổn thương sau chia tay:

  1. Học cách gọi tên cảm xúc 

Theo một nghiên cứu dành cho những người trầm cảm, các bạn ấy đã thật sự giảm hẳn triệu chứng và nhẹ nhõm hơn rất nhiều chỉ bằng cách mỗi ngày tập gọi tên cảm xúc

Khi chúng ta buồn, chúng ta thường để tâm trí dẫn dắt đi lòng vòng và ra quyết định khi cảm xúc còn đang lên xuống gập gềnh như tàu lượn siêu tốc. 

Cảm xúc thì lại nhanh đến nhanh đi, mà còn hay thay đổi. Nếu ta cứ quyết định theo chúng thì cuộc sống của ta sẽ bị lôi hết vào drama này đến drama nọ. 

Bởi vậy nên điều ta cần làm là tập trung vào giúp ta bình ổn cảm xúc lại, trước khi ra quyết định về điều gì đó. 

Cách bạn có thể tự làm là học cách gọi tên cảm xúc. 

Nghe dễ vậy thôi nhưng bao năm không học, các khách hàng của mình lúc bắt đầu chương trình chỉ thường cảm nhận được sự trống rỗng hoặc buồn. 

Nhưng nếu bạn kiên nhẫn, bạn sẽ bắt đầu gọi tên được những cảm xúc sâu thẳm hơn mà bạn đang trải qua như tức giận, hối tiếc, buồn bã, lưu luyến, thất vọng. 

Mỗi khi cảm thấy sắp bị đắm chìm vào suy nghĩ và để nó kéo đến những lo lắng, hãy làm bài tập này với câu nói: “Mình đang cảm thấy ……”

Khi bạn nói câu này, bạn đang tách bản thân và cảm xúc ra, làm cho nó khó ảnh hưởng đến bạn hơn. 

Bạn cứ kể ra những cảm xúc mình đang có trong mình như chào đón một vị khách và nếu vị khách đó có trào lên cảm xúc muốn khóc, hãy cho bạn ấy được khóc. Rất nhanh khoảng 2-3 phút và kiên trì tập luyện, bạn sẽ thấy bạn tìm lại trạng thái bình yên nhanh hơn và ít để cảm xúc chi phối hành động của mình hơn. 

Bạn không biết làm gì khi anh ấy “lại” quay lại nói nhớ bạn sau một thời gian lạnh lùng biến mất? Để cái điện thoại qua một bên, tập bài tập này liên tục mỗi ngày trong vòng 4 ngày và sau đó hãy ra quyết định. Bạn nhất định sẽ thấy sự thay đổi trong mình. 

2. Viết

Đây là một cách mình cực kỳ thích. Mỗi tuần mình và các bạn coach trong nhóm của mình vẫn hẹn nhau để cùng ngồi viết lắng nghe bản thân. 

Thông thường khi viết thì chúng ta lại hay viết ra những suy nghĩ từ tâm trí nên cuối cùng thì vẫn bị tâm trí dắt đi lòng vòng. Để thật sự viết “lắng nghe bản thân” thì bạn cần tập trung vào hơi thở của mình trước và sau đó để những dòng chữ trên cây viết chạy trên giấy mà không nghĩ trước là mình sẽ viết ra được điều gì.

Càng làm bài tập này thì bạn sẽ càng xả nhanh được những cảm xúc lưu đọng trong người. Cũng giống như bài tập gọi tên cảm xúc ở phía trên, mục đích của chúng ta là không để tâm trí dẫn đi lòng vòng hay ra quyết định vào lúc cảm xúc đang còn ngổn ngang, chúng ta học cách gọi tên cảm xúc và xả tâm tư xuống những trang giấy. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi tiếp cận các phương pháp này là bạn không cố gắng để “loại bỏ” chúng. Vì bạn càng cố loại thì chúng lại càng ở lại hoặc phình to lên. Giống như khi bạn có một đứa bạn thân đang buồn, điều bạn ấy cần không phải là bạn nói là thôi đừng buồn, đi chơi đi. Điều họ thật sự cần là sự hiện diện của bạn, được lắng nghe mà đôi khi chẳng cần lời khuyên nào cả. Trong nhiều trường hợp, họ đã biết điều họ cần làm rồi, họ chỉ cần được lắng nghe mà thôi. 

Bạn cũng vậy, bạn thật ra đã biết điều bạn cần làm rồi, bạn chỉ cần được lắng nghe để nỗi buồn đó trôi qua thôi.

3. Làm cho cơ thể cảm thấy an toàn 

Chữa lành bên trong thì không thể thiếu một cơ thể khỏe mạnh bên ngoài được. 

Càng trong một cơ thể uể oải thiếu vận động thì chúng ta sẽ càng cảm thấy thiếu an toàn. Mà càng thiếu an toàn vào bản thân thì ta lại càng cần điều đó từ bên ngoài hơn nên dẫn đến việc dễ phụ thuộc quá nhiều vào ai đó dù họ có phù hợp với ta hay không. 

Có dạo mình mang cái bụng đói vô cùng đi xuống bếp tìm đồ ăn, mình ăn liền một lúc mấy cái bánh chocolate toàn đường để rồi sau đó đầy ứ bụng và mệt nguyên ngày hôm đó. 

Cách chúng ta tìm kiếm hạnh phúc và an toàn cũng tương tự như vậy. Càng không mang được điều đó cho bản thân thì lại càng dễ sa vào tìm kiếm từ bên ngoài cho dù nó có là thứ chẳng tốt lành gì mấy.

Điều bạn có thể bắt đầu làm từ hôm nay là chú ý đến việc vận động, tập thể dục và dinh dưỡng của mình hơn. Bạn không cần phải ép mình vào những bài tập nặng hay dành nhiều tiền mua các loại thực phẩm chức năng quá đắt đỏ. 

Hãy hỏi bản thân: “Điều cơ thể mình cần hôm nay là gì để cảm thấy an toàn/hạnh phúc/nhẹ nhàng/tươi mới (chọn bất kỳ cảm giác nào bạn muốn)?” 

Đối với mình, có những ngày mình cần vững chãi thì mình sẽ tập những bài yoga chậm nhẹ nhưng sâu vào lõi cơ thể. Có những ngày mình muốn bản thân cảm thấy “sung” và đẹp hơn, mình sẽ tập những bài yoga nặng hơn vào bụng, mông hoặc tay. Có những ngày cơ thể mình chỉ muốn ra biển để sưởi nắng và có những ngày mình chỉ nằm nghỉ ngơi thôi. 

Và với kiểu tập thể dục thích gì tập nấy mỗi ngày thì mình không thể ra trung tâm được, mình hay bật Youtube lên và tập theo những bài vừa sức với mình.

Đấy là mình. Còn với riêng bạn thì mình khuyến khích nếu bạn chưa biết điều gì phù hợp thì hãy thử. Thử ra trung tâm, thử tập ở nhà, thử tham gia câu lạc bộ, thử các bộ môn khác nhau để tìm ra một lộ trình hiệu quả cho bạn lúc này. 

4. Tìm sự trợ giúp 

Ngẫm lại những khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc sống của mình từ lúc thất nghiệp, chia tay, bị bắt nạt rồi cả những khi lạc lối vô định thì phần lớn đều là do mình cứ loay hoay tự vượt qua một mình. 

Hoặc khi tâm sự với 1 vài người bạn và bị họ từ chối giúp đỡ thì mình liền đóng ngay lòng mình lại rồi cho rằng có lẽ chẳng ai muốn đồng hành cùng mình.

Bây giờ mình học được rằng mỗi người sẽ có một khả năng hỗ trợ bạn nhất định. Khi họ không thể giúp tức là họ không có khả năng giúp vào lúc đó, chứ không phải bạn có vấn đề. Như vậy thì chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi có sự hỗ trợ phù hợp. 

Dưới đây là một trong số những mối quan hệ hỗ trợ trong mạng lưới của mình:

Coach: Mình có một chị coach đã làm việc 1-1 với mình gần 7 năm nay. Đây sẽ là người mình thường tựa vào khi gặp những thử thách lớn trong cuộc sống. 

Love Mentor: Tình yêu cũng cần học cho dù có đang độc thân hay trong mối quan hệ. Mình tham gia học dưới dạng lớp học trực tuyến.

Bạn thân: Đây là những người mà mình hay chia sẻ thử thách trong cuộc sống của mình nhất. Mình không kỳ vọng họ sẽ giúp mình và ở cạnh mình liên tục tù tì mấy tháng để giúp mình tháo gỡ vấn đề như coach. Mình chỉ cần họ cho mình không gian được kể ra, được động viên và yêu thương.

Bạn cùng tiến bộ: Đây là những người bạn mà mình và họ sẽ thường gặp nhau mỗi tuần để cùng kiểm tra quá trình đạt được mục tiêu của mỗi người. Hay đây có thể gọi là bạn “vượt lười cùng nhau”. Mình có 2 người bạn “vượt lười”, một người sẽ giúp mình trong công việc coaching, người khác thì tập trung về sức khỏe và cảm xúc. 

Gia đình: Gia đình là nơi mình sẽ gần như không tâm sự sâu cái gì cả, nhưng vẫn là một nguồn an toàn quan trọng với mình. Khi buồn thì mình sẽ thường chỉ cần ăn cơm hoặc đi chơi cùng gia đình để tìm lại cảm giác được yêu thương và bảo vệ vô điều kiện. 

Và còn chưa kể mình có đồng nghiệp online, team và cả bạn bè trong những membership mình tham gia.

Mỗi người mình gặp thì mình thường cẩn thận quan sát để tìm thấy sự phù hợp và vai trò của họ trong mạng lưới mối quan hệ của mình. Và nếu không có sự phù hợp nữa thì mình cũng đều sắp đặt chuyển dịch rất nhanh vai trò của mối quan hệ đấy. 

Và quan trọng nhất là mình không dồn toàn bộ vai trò hỗ trợ mình cho một ai duy nhất, kể cả có là coach, bạn thân hay gia đình mình.

Sở dĩ mình cẩn thận như vậy vì mình biết rằng mạng lưới mối quan hệ sẽ là nơi vô cùng quan trọng trong hành trình của mình, đặc biệt là khi mình ở giai đoạn đau buồn hoặc gặp nhiều thử thách. Khoản đầu tư về thời gian hoặc tài chính để làm vững chắc những mối quan hệ này rất cần thiết với mình. 

Khác với nhiều người suy nghĩ, “chữa lành” hay “tỉnh thức” đối với mình không phải là đạt đến trạng thái không cần ai nữa. Mà đó là trạng thái mình biết mình cần người khác, cái gì mình cần và ai mới là người mình thật sự cần.

Còn bạn, sự hỗ trợ nào bạn cần để giúp bạn vượt qua giai đoạn thử thách và có cuộc sống hạnh phúc hơn sau khi chia tay?

Love, 

Katherine

P.S.

Nếu bạn:

  • Chưa quên được người yêu cũ và cảm thấy đau khổ sau khi chia tay?

  • Không biết nên bắt đầu từ đâu sau khi chia tay?

  • Muốn tìm lại hạnh phúc vào chính cuộc sống của mình sau khi chia tay?

Tải Guidebook “Ba Dưỡng Chất Giải Phóng Trái Tim” của Katherine dưới đây để giúp bạn bước sang một trang mới của cuộc sống sau khi chia tay.